Website Worth

Total Pageviews

Wednesday

Bảy bước xác định một đề tài nghiên cứu

Việc xác định đề tài nghiên cứu là khâu quan trọng nhất trong quá trình thực hiện một nghiên cứu. Các sách dạy phương pháp ít khi đề cập cụ thể cách xác định một đề tài nghiên cứu. Các giảng viên cũng họa hoằn mới đề cập tới kỹ năng này. Việc xác định một đề tài nghiên cứu nên đi theo các bước sau:

Bước 1. Nhận diện vấn đề nghiên cứu

Việc xây dựng đề tài nghiên cứu cần đi từ ‘lớn’ đến ‘nhỏ’, từ ‘chung’ đến ‘riêng’, từ tổng quan tới chi tiết. Ở bước nhận diện, bạn cần xác định xem vấn đề lớn, chung, xét một cách tổng quan, mà bạn muốn tìm hiểu là gì. Vấn đề đó có thể chưa cần thật cụ thể, nhưng nó là về cái gì? Tại sao bạn lại muốn nghiên cứu về nó?
Giả sử rằng bạn muốn nghiên cứu vấn đề nghiện rượu. Tất nhiên bạn phải giải trình các lý lẽ dẫn tới việc nghiên cứu này là cần thiết.

Bước 2. Phân tích và bình giá tài liệu

Ở bước này, thực chất là một phiên công não, bạn cần phân tích vấn đề đã chọn dựa trên các nguồn tài liệu đã có, hỏi han bạn bè và các đồng nghiệp để có các ý tưởng phù hợp. Các khía cạnh của nghiện rượu mà bạn có thể phân tích là (có thể còn rất nhiều khía cạnh khác nữa mà bạn tự nghĩ ra):
1 – Ai là người nghiện rượu?
2 – Nguyên nhân dẫn tới nghiện rượu?
3 – Tác động của chứng nghiện rượu lên gia đình của người nghiện là gì?
4 – Thái độ của cộng đồng đối với chứng nghiện rượu
5 – Các cách điều trị nghiện rượu hiện có và tính hữu dụng của chúng

Ở mỗi phần bạn cần cố gắng xác định xem những khoảng trống còn chưa được tìm hiểu là gì, cũng những những khiếm khuyến của những thứ đã được tìm hiểu. Thậm chí bạn cần xác định xem hậu quả của khoảng trống hay khiếm khuyết đó là gì? Hiểu biết thêm cái gì thì sẽ làm cho khoảng trống thu nhỏ lại nhất, và các khiếm khuyết được khắc phục ở mức cao nhất?
Bạn loại dần những khía cạnh mà bạn cho là đã được tìm hiểu đầy đủ, chỉ giữ lại một vài khía cạnh bạn nghĩ là cần phải có nghiên cứu để tìm hiểu thêm.
Nếu làm kỹ lưỡng, kết quả của bước ‘Phân tích’ thường là một bài báo có nội dung bình giá những kết quả nghiên cứu đã có về vấn đề bạn quan tâm. Lưu ý rằng bình giá tài liệu không chỉ đơn giản là khen bài này hay, chê bài kia dở. Kết quả của việc bình giá tài liệu phải là:
1) việc nhận diện được một hay một vài vấn đề nhỏ cần đi sâu nghiên cứu thêm để tạo tri thức mới,
2) lý thuyết hay các lý thuyết có thể được dùng để mô tả hay giải thích vấn đề nghiên cứu (còn gọi là xây dựng khung lý thuyết)
3) các khái niệm chủ chốt của nghiên cứu (còn gọi là xây dựng khung khái niệm)

Bước 3. Lựa chọn

Sau khi xem xét các khía cạnh khác nhau bạn có thể quyết định rằng khía cạnh ‘tác động của chứng nghiện rượu với gia đình người nghiện’ là còn chưa được nghiên cứu thấu đáo, có nhiều mâu thuẫn về phương pháp nghiên cứu, hoặc chưa được triển khai ở một nhóm dân số quan trọng nào đó. Dù cho bạn lựa chọn chủ đề nào, kết quả nghiên cứu dự kiến phải tạo ra một ‘cái mới’ – tức là bổ sung vào tri thức hiện có về vấn đề ‘tác động của chứng nghiện rượu với gia đình’. Cái mới này có thể là mới về mặt lý thuyết, hoặc về phương pháp, hoặc về quần thể nghiên cứu.
Mới về lý thuyết: bạn đề xuất một cách giải thích mới cho vấn đề nghiên cứu (đưa ra khung lý thuyết và khái niệm mới để giải thích một vấn đề cũ)
Mới về phương pháp: bạn đề xuất một phương pháp phân tích mới cho vấn đề nghiên cứu (lý thuyết mới thường đi với phương pháp phân tích mới, ví dụ lý thuyết mạng xã hội đòi hỏi cách thu thập thông tin và phân tích thông tin phù hợp với dữ liệu thu được từ các mạng xã hội)
Mới về mặt quần thể nghiên cứu: bạn đề xuất thực hiện nghiên cứu trên một quần thể nghiên cứu mới (mới về độ tuổi (nghiện rượu ở trẻ vị thành niên), về dân tộc tính (người Mường), về tình trạng sức khỏe (những người có HIV), về tình trạng cư trú (người di cư), vân vân)

Bước 4. Đưa ra câu hỏi

Ở bước này bạn phải đưa ra một khái niệm vận hành hay còn gọi là khái niệm làm việc dùng cho nghiên cứu của bạn. Cụ thể, nếu bạn muốn nghiên cứu ‘những tác động của việc nghiện rượu lên gia đình’ thì bạn định nghĩa ‘những tác động’ ấy là những gì. Quần thể nghiên cứu (nhóm khách thể – hay là vật chứa vấn đề nghiên cứu mà ta quan tâm) là ai? Thế nào là ‘gia đình’ trong nghiên cứu của bạn?
Việc khái niệm hóa rất quan trọng vì nó quyết định đến nội dung nghiên cứu. Giả sử bạn định nghĩa ‘những tác động’ lên gia đình ấy ở ba khía cạnh quan trọng nhất của gia đình đó là: 1) tác động đến quan hệ hôn nhân, 2) tác động đến cuộc sống của con cái, 3) tác động đến tài chính của gia đình. Bây giờ thì bạn chuyển những nội dung ấy của định nghĩa này thành các câu hỏi:
1 – Chứng nghiện rượu có ảnh hưởng gì đến quan hệ hôn nhân?
2 – Chứng nghiện rượu ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái như thế nào?
3 – Chứng nghiện rượu có tác động gì lên tài chính của gia đình?

Bước 5. Thiết lập mục tiêu

Ở bước này bạn cần xác định ‘mục tiêu chung’ và ‘mục tiêu cụ thể’ của nghiên cứu. Như đã xác định ở bước 3, mục tiêu chung của nghiên cứu này là ‘tìm ra tác động của chứng nghiện rượu lên gia đình’. Còn các mục tiêu cụ thể có thể được diễn đạt như sau:
Mục tiêu cụ thể:
1- Xác định ảnh hưởng của chứng nghiện rượu đến quan hệ hôn nhân
2- Xác định ảnh hưởng nhiều mặt của người nghiện rượu đến con cái
3- Xác định ảnh hưởng của chứng nghiện rượu đến tài chính của gia đình

Bước 6. Đánh giá tính khả thi của các mục tiêu

Ở bước này, bạn cần tự hỏi xem với các mục tiêu đã xác định ở bước 5, bạn có đủ năng lực kỹ thuật, kiến thức chuyên môn, nguồn lực tài chính, nhân lực, và thời gian để thực hiện các mục tiêu đó hay không? Nếu một trong những khía cạnh đó có câu trả lời là ‘không’, bạn phải sửa lại mục tiêu để khiến cho chúng trở nên khả thi, trong khả năng của bạn.

Bước 7. Kiểm tra


Ở bước này bạn hãy tự hỏi mình lần nữa là các mục tiêu đã đặt ra có khả thi trong khả năng của bạn không? Quan trọng hơn cả, ở bước này bạn cần tự hỏi mình, là ngoài các điều kiện về kỹ thuật, thời gian, con người, tài chính, kiến thức chuyên môn, bạn có thích đề tài này không. Hãy suy nghĩ thật thấu đáo. Nếu bạn nhiệt tâm, nhiều khả năng bạn sẽ có một nghiên cứu hay. Nếu không, hãy xem lại mục tiêu.