1- Tránh đặt câu hỏi đa nghĩa:
Ví dụ:
Bạn đồng ý hay không đồng ý với phát biểu sau đây:
‘Nghiện rượu và cờ bạc là những vấn đề nghiêm trọng ở nông thôn Việt Nam’
Người trả lời có thể đồng ý với ‘nghiện rượu’ nhưng không đồng ý với ‘cờ bạc’
2-Tránh đặt câu hỏi đe dọa thể diện người trả lời:
Ví dụ:
Năm vừa qua có bao nhiêu lần anh say rượu ?
Người trả lời thường không nói thật khi thấy thể diện bị đe dọa
3-Tránh đặt câu hỏi dẫn dắt:
Ví dụ:
“Anh sẽ đóng tiền để ủng hộ những người nghèo bị ung thu chứ?”
Câu hỏi dạng này ngầm định hướng câu trả lời cho người trả lời.
4-Tránh đặt câu hỏi có từ vựng gây khó hiểu
Ví dụ:
“Trong 12 tháng qua, sinh kế chính của anh là gì?”
Nhà nghiên cứu thường hiểu sinh kế có năm thành phần (vốn xã hội, tài sản, tài chính, con người, tự nhiên). Người được hỏi có thể cho rằng sinh kế là ‘cách kiếm tiền’.
5-Tránh đặt các câu hỏi có cấu tạo giống nhau ở gần nhau để tránh kiểu trả lời hàng loạt mà không để ý nội dung
Ví dụ:
Có 10 câu hỏi dùng để đo thái độ đối với nạo phá thai. Các câu này cùng có dạng Likert (5 mục, từ Rất không đồng ý đến Rất đồng ý). Người trả lời dễ cho rằng chúng đều thể hiện một chiều đo cho nên sẽ dễ dàng chọn một loạt phương án ‘Rất không đồng ý’ khi muốn thể hiện thái độ phản đối nạo phá thai của mình. Họ làm thế mà không cần nhìn qua nội dung các câu hỏi. Điều này khiến cho các câu trả lời giống nhau tăm tắp, nhưng không thực sự phản ánh các mức độ khác nhau của sự không đồng ý ở mỗi người.
Kết luận
Để tránh được những vấn đề trên, cần phải thử nghiệm bảng hỏi kỹ càng trước khi thực hiện thu thập thông tin. Cần hỏi thử khoảng 20 người và yêu cầu họ đánh giá bằng cách cho điểm từng câu hỏi về độ dễ hiểu của câu hỏi, khả năng đe dọa thể diện của câu hỏi, vv. Có thể tránh các câu trả lời ‘đều tăm tắp’ bằng cách làm cho định dạng của một vài câu hỏi khác đi so với các câu còn lại (cùng đo một khái niệm hay thái độ), hoặc phân tán chúng ở những nơi khác nhau trong bảng hỏi.