Website Worth

Total Pageviews

Sunday

Chuẩn hóa một thang đo

Bước sau cùng của việc phát triển một thang đo là 'chuẩn hóa' nó. Khâu này giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của thang đo bằng cách chỉ ra một điểm số nhất định thì có nghĩa là gì. Thông thường thang đo chỉ được thử nghiệm trên một vài mẫu nhất định lấy từ nhóm dân số quan tâm.
Người ta thường ngầm định rằng, ở nhóm dân số quan tâm, phân phối của thang đo là chuẩn - tức có dạng cái chuông úp. Người ta sử dụng phân phối chuẩn (trung bình bằng 0, độ lệch chuẩn bằng 1) để tính khoảng cách của một điểm số của một người nhất định tới giá trị trung bình trong dân số.
Ngoài sử dụng số trung bình, người ta còn dùng phần trăm hạng (percent rank) để xem, khi một người có một số điểm nhất định từ thang đo, thì có bao nhiêu phần trăm số người trong dân số quan tâm cũng có điểm như thế trở xuống, từ đó biết được ý nghĩa của thang đo.
ơn
Bài viết sau trên Psychometrica cho biết chi tiết hơn, cùng với một phần mềm dể hiểu một điểm chuẩn hóa có nghĩa là 'cao' hay là 'trung bình' hay là 'thấp'. Trong ví dụ ở hình dưới, một người có điểm chuẩn hóa z = 0.5, được phần mềm đọc là 'trung bình'. Thực vậy, z =0 có nghĩa là điểm của người đó bằng đúng với điểm trung bình của dân số quan tâm, còn z =0.5 thì cũng chỉ hơn một chút thôi, có nghĩa vẫn xếp hạng 'trung bình' vậy. Phần mềm cũng tính luôn là có 69% người trong dân số quan tâm có điểm bằng với người này hoặc thấp hơn.

Biết được các số đo của dân số chuẩn chỉ là một nửa câu chuyện. Bước tiếp theo là số sánh một cá nhân hay nhóm quan tâm với cái chuẩn đó.



Norm Value Calculator, Psychometrica.de

Monday

ĐEM CON NGƯỜI TRỞ LẠI

Homans, George C. 1964. Bringing Men Back In. American
Sociological Review. Volume 29. No. 5. December, 1964.
pp 809-818.

ĐEM CON NGƯỜI TRỞ LẠI[1]

      George C. Homans
                                                                                    Người dịch: Bùi Thế Cường
                                                                                    Phiên bản 31-March-08

Tôi dự định nói về một vấn đề mà chúng ta trăn trở lâu nay. Bản thân tôi đã trăn trở về nó. Nhưng tôi không biện minh cho việc lại nêu lên vấn đề này. Mặc dù là một vấn đề cũ, nó vẫn còn là một vấn đề chưa được dàn xếp ổn thỏa, và tôi nghĩ đây là vấn đề trí tuệ chung nhất trong xã hội học. Nếu tôi chỉ có một dịp may duy nhất để nói một cách ex cathedra (nói từ ghế Chủ tịch Hội ASA), thì tôi không thể dành để nói một cái gì đó vô thưởng vô phạt. Ngược lại, giờ là lúc để nói một cách thực sự. 

Đầu thập niên 1930, đã hình thành một trường phái tư tưởng xã hội  học. Cha đẻ của nó, mặc dù họ không phải chỉ sản sinh ra nó, là Durkheim và Rad-Cliffe Brown. Tôi gọi đây là một trường phái, mặc dù không phải tất cả mọi người theo trường phái này đều chấp nhận cùng những nguyên lý của nó; và nhiều nhà xã hội học đã đi tiếp và có những tiến bộ lớn mà không hề có một tư tưởng nào gắn với nó. Trường phái này thường được gọi là trường phái chức năng luận cấu trúc, hay nói một cách ngắn gọn, chức năng luận. Đối với cả một thế hệ, nó đã là một trường phái thống trị, do đó là trường phái tư tưởng xã hội học riêng biệt duy nhất. Tôi nghĩ nó đã đi hết con đường của mình, đã hoàn thành sự nghiệp của mình, đem lại cho ta cái cách để hiểu các hiện tượng xã hội. Và tôi tự hỏi “Tại sao?”

NHỮNG MỐI QUAN TÂM CỦA CHỨC NĂNG LUẬN

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc nhắc lại với các bạn những mối quan tâm và những giả định cơ bản của chức năng luận, đặc biệt là đặt trong sự tương phản với những gì mà nó không quan tâm và cho là đương  nhiên, bởi vì những câu hỏi mà nó không đặt ra luôn trở lại quấy rầy nó. Nếu những điều tôi nói có vẻ như là một bức biếm họa thì hãy nhớ là tranh biếm họa nhấn mạnh đến những đặc điểm đặc trưng nhất của một con người.

Thứ nhất, chức năng luận xuất phát từ việc nghiên cứu các chuẩn mực, những tuyên bố (statements) mà thành viên của một nhóm nêu lên về việc họ phải ứng xử như thế nào, và do đó thường xuyên ứng xử như thế, trong những hoàn cảnh khác nhau. Chức năng luận đặc biệt quan tâm đến cụm các chuẩn mực tạo nên một vai trò, và cụm các vai trò tạo nên một thiết chế. Chức năng luận nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi rằng mối quan tâm của nó là hành vi được thiết chế hóa, rằng đơn vị phân tích xã hội không phải là con người đang hành động mà là vai trò. Trường phái này không tự hỏi xem vì sao mà lại chỉ là các vai trò.

Thứ hai, về mặt thực nghiệm chức năng luận chú trọng nghiên cứu quan hệ qua lại của các vai trò, quan hệ qua lại của các thiết chế: đây chính là khía cạnh cấu trúc trong công việc của nó. Đây chính là loại việc mà các nhà nhân học xã hội đã và đang làm, chỉ ra các thiết chế của một xã hội cổ sơ khớp với nhau như thế nào; và các nhà xã hôi học đã mở rộng cách làm này sang những xã hội phát triển hơn. Chẳng hạn, họ muốn chỉ ra gia đình hạt nhân chứ không phải là một loại dòng tộc mở rộng nào đó là đặc trưng của các xã hội công nghiệp. Nhưng nó chỉ chú ý đến việc xác định các quan hệ đó là gì mà không đặt ra câu hỏi vì sao chúng là như vậy. Khởi đầu sự phân tích có xu hướng tĩnh, vì sẽ dễ thuyết phục khi nói đến một cấu trúc xã hội trong một xã hội được xem là ổn định hơn là trong một xã hội đang biến đổi nhanh. Gần đây, trường phái này quay sang nghiên cứu biến đổi xã hội, nhưng khi làm như vậy nó đã phải đặt ra vấn đề mà trước kia nó không bận tâm. Nếu một thiết chế đang thay đổi thì người ta khó tránh khỏi đặt ra câu hỏi vì sao nó lại thay đổi theo hướng này mà không phải là hướng kia.

Thứ ba, diễn đạt một cách nôm na, chức năng luận quan tâm đến các hệ quả hơn là nguyên nhân của một thiết chế, đặc biệt là các hệ quả đối với một xã hội với tính cách là một tổng thể. Những hệ quả này là các chức năng của thiết chế. Nhà chức năng luận cố gắng miệt mài để tìm ra các chức năng và phản chức năng của một hệ thống vị thế (status) mà không bao giờ tự hỏi vì sao hệ thống ấy tồn tại, vì sao nó đã ở đó để mà vận hành các chức năng. Anh ta đặc biệt quan tâm đến việc các thiết chế đã giúp cho việc duy trì sự cân bằng của xã hội như thế nào. Công trình của Durkheim "Các hình thái sơ đẳng của tôn giáo" là mô hình nghiên cứu lý tưởng của nhà chức năng luận, ở đó Durkheim chỉ ra tôn giáo trong một bộ lạc nguyên thuỷ đã giúp cho việc gắn kết bộ lạc ấy ra sao.

Những mối quan tâm thực nghiệm của chức năng luận là như vậy. Về mặt thực nghiệm, bản thân tôi cũng đã là một nhà chức năng luận, tôi phải là người cuối cùng trách móc các nhà chức năng luận. Chắc chắn một trong những công việc của nhà xã hội học là tìm ra các chuẩn mực của một xã hội là gì. Mặc dù một vai trò không phải là một hành vi thực tế, song đây cũng là một sự đơn giản hoá bổ ích cho những mục tiêu nhất định. Các thiết chế đều có liên hệ qua lại với nhau, và một trong những công việc của nhà xã hội học là chỉ ra được các mối liên hệ qua lại ấy. Các thiết chế có hệ quả, theo nghĩa đó, nếu như một thiết chế tồn tại, thì những kiểu khác của thiết chế, những kiểu mà đã có thể tồn tại, chắc chắn không phải là con số vô hạn. Chắc chắn một trong những công việc của nhà xã hội học là nghiên cứu những hệ quả ấy và, cho dù sẽ khó khăn hơn, xác định xem chúng là tốt hay xấu đối với toàn bộ xã hội. Dù ở mức độ nào thì những mối quan tâm thực nghiệm của chức năng luận như thế đã dẫn đến hàng loạt kết quả nghiên cứu tốt. Chỉ cần nói đến những nghiên cứu của Murdock[2] và cộng sự về quan hệ qua lại xuyên văn hóa của các thiết chế.

Ngay từ khởi đầu, trường phái chức năng đã quan tâm cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm. Không nhất thiết cả hai phải đi đôi với nhau, và các nhà nhân chủng học Anh đã tương đối ít mang tính lý thuyết. Thế nhưng, các nhà xã hội học Mỹ thì không như thế, đặc biệt là Talcott Parsons, người đã tuyên bố rằng họ không những muốn là các nhà lý thuyết mà thậm chí còn là lý thuyết đại cương, đã hết sức nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lý thuyết.

Thêm nữa, lý thuyết của họ phải là một kiểu riêng biệt của lý thuyết. Họ là học trò của Durkheim và tuân thủ nghiêm túc định nghĩa của ông về sự kiện xã hội (social facts): "Bởi vì đặc trưng bản chất của chúng [sự kiện xã hội] là, trong quyền lực mà chúng có, một áp lực từ bên ngoài lên ý thức cá nhân, cho nên chúng không bắt nguồn từ ý thức cá nhân. Kết quả là xã hội học không phải là hệ luận của tâm lý học".[3] Vì Durkheim là một con người vĩ đại, người ta có thể thấy những phát biểu trong các trước tác của ông có những hàm ý hoàn toàn khác, nhưng bức biếm họa phóng đại này về bản thân ông là một trong những cái tạo nên sự khác biệt. Nếu như không phải ở trong cái họ đã nói, thì chắc chắn trong cái họ đã làm, các nhà chức năng luận đã tuân thủ Durkheim một cách thực sự nghiêm túc. Đơn vị phân tích cơ bản của nhà chức năng luận là sự kiện xã hội theo nghĩa của Durkheim. Và cương lĩnh lý luận của họ, giống như Durkheim, dựa trên giả định rằng xã hội học phải là một ngành khoa học độc lập, theo nghĩa là nó có những định đề của mình, không rút ra từ những định đề của các khoa học khác, chẳng hạn tâm lý học. Điều này có nghĩa là, các định đề chung của xã hội học không phải là những định đề về hành vi của "ý thức con người", hoặc, như tôi có thể nói, những định đề về con người, mà là về những đặc trưng của các xã hội và nhóm xã hội.

Chỗ mà chức năng luận thất bại không phải là ở mối quan tâm thực nghiệm của nó, mà kỳ lạ thay, lại nằm ở chỗ nó tự hào nhất, tức là ở lý thuyết đại cương của nó. Hãy cho tôi thật cẩn thận ở đây. Trong bài Phát biểu của Chủ tịch mới đây, Kingsley Davis quả quyết rằng tất cả chúng ta hiện giờ đều là nhà chức năng luận[4], và có một nghĩa mà ông hoàn toàn đúng. Nhưng cần nhớ rằng ông đang nói về phân tích chức năng. Một người đang tiến hành phân tích chức năng, khi xuất phát từ sự tồn tại của một thiết chế cụ thể, người đó cố gắng tìm kiếm xem thiết chế này đã tạo ra khác biệt gì đối với những khía cạnh khác của cấu trúc xã hội. Khi đó, người này đang tiến hành chương trình thực nghiệm của chức năng luận. Bởi vì tất cả chúng ta đều đã học thực hành phân tích chức năng, nên theo nghĩa này tất cả chúng ta đều là nhà chức năng luận. Nhưng với tính cách là một phương pháp, phân tích chức năng không phải là lý thuyết chức năng. Và nếu như tất cả chúng ta đều là nhà phân tích chức năng, thì chắc chắn không phải ai cũng là nhà lý thuyết chức năng. Ít nhất, đừng tính tôi vào số đó.

Công việc duy nhất không thể trốn tránh của lý thuyết là giải thích. Lý thuyết tiến hoá là một lý thuyết vì nó giải thích vì sao tiến hoá xảy ra và xảy ra như thế nào. Tìm kiếm các hệ quả của các thiết chế, chỉ ra mối liên hệ qua lại giữa chúng, không phải là việc giải thích vì sao các mối liên hệ qua lại ấy lại như chúng đang tồn tại. Vấn đề ở đây là một câu hỏi thực tiễn chứ không phải một câu hỏi triết học: không phải là chức năng luận có hợp thức không khi xem vai trò là đơn vị cơ bản, cũng không phải các thiết chế có thực sự tồn tại không, mà là cương lĩnh lý luận của chức năng luận trong thực tế rút cuộc có dẫn đến việc giải thích về các hiện tượng xã hội không, bao gồm những kết quả do chính nó tiến hành phân tích chức năng. Câu hỏi cũng không phải là chức năng luận có thể làm được như vậy không, mà là hiện nay nó đã làm được như vậy chưa. Tôi nghĩ nó đã không làm được.

BẢN CHẤT CỦA LÝ THUYẾT

Với mọi điều nói về lý thuyết, các nhà chức năng luận chưa bao giờ - tôi nói điều này một cách thận trọng – thành công trong việc làm sáng tỏ lý thuyết là gì. Thực ra họ không có lỗi lắm, vì trong thời kỳ đầu các nhà triết học khoa học cũng không có câu trả lời rõ ràng như hiện nay.[5] Thế nhưng ngay cả trong điều kiện như vậy, các nhà chức năng luận đáng ra đã có thể làm tốt hơn, và ngày nay chắc chắn sự biện minh trên không còn hiệu lực lâu hơn được nữa. Ngày nay chúng ta không thể giảng cho sinh viên về lý thuyết xã hội học nếu trước đó không nói với họ lý thuyết là gì.

Một lý thuyết về một hiện tượng là một dãy các định đề mà mỗi định đề ấy phát biểu về một quan hệ giữa các đặc tính của sự vật. Nhưng không phải mọi kiểu câu đều có thể trở nên một định đề. Các định đề không chứa đựng định nghĩa về các đặc tính. Xây dựng một sơ đồ khái niệm là một phần không thể thiếu của công tác lý luận, nhưng bản thân nó không phải là lý thuyết. Một định đề cũng không phải chỉ nói một cách đơn giản rằng có quan hệ giữa những đặc tính. Nó phải nói được rằng nếu như có một sự thay đổi trong một đặc tính này thì sẽ có một thay đổi nào trong một đặc tính kia, một đặc tính này biến mất thì đặc tính kia cũng thế, một đặc tính này tăng lên về giá trị thì đặc tính kia cũng thế. Các đặc tính, các biến số, có thể là xác xuất.
                                                        
Lấy một ví dụ nổi tiếng. Mác phát biểu rằng tổ chức kinh tế của một xã hội quyết định bản chất của các thiết chế khác của xã hội ấy. Đây là một hướng đạo rất có ích cho nghiên cứu. Vì phát biểu này nói rằng “Hãy nhìn các hệ quả xã hội của biến đổi kinh tế, và nếu bạn nhìn, chắc chắn bạn sẽ thấy chúng!”. Nhưng đây không phải là một định đề để đi vào một lý thuyết, vì nó chỉ nói rằng nếu cấu trúc hạ tầng kinh tế thay đổi thì sẽ có sự thay đổi trong cấu trúc thượng tầng xã hội, chứ không nói rằng sẽ có sự thay đổi gì. Phần lớn mệnh đề xã hội học, tự cho là có tính lý luận, đều giống như phát biểu trên, nhưng rất ít nhà xã hội học ý thức được điều này. Trong khi chúng ta thường yêu cầu lý thuyết phải hướng đạo cho nghiên cứu, thì ta lại thường quên rằng những phát biểu kiểu như trên là một hướng đạo tốt cho nghiên cứu, song không phải là một lý thuyết tốt.

Để dựng nên một lý thuyết, các định đề phải có dạng của một hệ thống diễn dịch. Một trong những dạng như vậy thường được gọi là định đề trật tự thấp nhất (lowest-order proposition), tức là định đề cần phải được giải thích. Ví dụ, định đề nói rằng một xã hội mà càng công nghiệp hoá đầy đủ thì tổ chức họ hàng của nó càng có xu hướng là gia đình hạt nhân. Các định đề khác hoặc được gọi là các định đề chung (general), hoặc là những phát biểu về các điều kiện đã cho cụ thể. Gọi là những định đề chung vì chúng có mặt trong nhiều hệ thống diễn dịch khác. Vì vậy, cái mà ta gọi là một lý thuyết chính là một mảnh của các hệ thống diễn dịch cùng chia sẻ những định đề chung nhưng có cái cắt nghĩa (explicanda) khác nhau. Yêu cầu căn bản là những hệ thống ấy phải là diễn dịch. Nghĩa là, định đề trật tự thấp nhất phải là một kết luận logic diễn giải từ những định đề chung dưới những điều kiện đặc thù đã cho. Lý do vì sao những phát biểu như của Mác nói trên không phải là các lý thuyết chính là vì từ những phát biểu ấy không rút ra được những kết luận chính xác theo logic. Khi một định đề trật tự thấp nhất được dẫn đến một cách logic, người ta nói rằng nó được giải thích. Sự giải thích về một hiện tượng là lý thuyết về hiện tượng ấy. Một lý thuyết sẽ chẳng là gì cả, tức là nó không phải là lý thuyết, chừng nào nó chưa phải là một sự giải thích.

Người ta có thể định nghĩa các đặc tính và phạm trù mà vẫn chưa có lý thuyết. Người ta có thể phát biểu rằng có những mối liên hệ giữa các đặc tính mà vẫn chưa có lý thuyết. Người ta có thể xác nhận rằng sự biến đổi của một đặc tính này dẫn đến sự biến đổi rõ ràng trong một đặc tính kia, mà vẫn chưa có lý thuyết. Chưa thể có lý thuyết chừng nào chưa có những đặc tính, và những định đề phát biểu về mối quan hệ giữa các đặc tính ấy, và những định đề ấy phải tạo nên một hệ thống diễn dịch. Chỉ khi có cả ba điều trên, người ta mới có một lý thuyết. Phần lớn các lập luận của chúng ta về lý thuyết đều sẽ sụp đổ, nếu trước hết ta tự hỏi liệu ta đã có một lý thuyết để lập luận chưa.

CÁC LÝ THUYẾT CHỨC NĂNG

Là một nỗ lực lý thuyết, chức năng luận chưa bao giờ đáp ứng được những điều kiện nói trên. Ngay cả khi các nhà chức năng luận nghiêm túc cố gắng đáp ứng những điều kiện ấy, điều mà họ đã không làm, thì tôi nghĩ rằng họ vẫn cứ thất bại mà thôi. Trở ngại nằm ngay ở những định đề chung đặc trưng của chức năng luận. Một định đề không thể mang tính chức năng chỉ vì nó sử dụng từ chức năng. Nói rằng một thiết chế là có tính chức năng đối với những con người cụ thể theo nghĩa đáp ứng nhu cầu của họ, nói như thế không phải là một định đề đặc trưng của chức năng luận, mà là của tâm lý học. Tương tự, phát biểu rằng một thiết chế là một chức năng của một thiết chế khác theo nghĩa nửa toán học (quasi-mathematical) về chức năng, cũng không phải là định đề đặc trưng của chức năng luận. Tuy nhiều nhà lý luận chức năng vẫn có những phát biểu như vậy, các nhà phi chức năng luận như tôi cũng có thể phát biểu như vậy mà không băn khoăn gì cả. Các định đề chung đặc trưng của chức năng luận trong xã hội học có hình thức: "Nếu để sống sót (tồn tại), hoặc duy trì cân bằng, một hệ thống xã hội phải có các thiết chế kiểu X". Ví dụ, để sống sót hoặc duy trì cân bằng, một xã hội phải có các thiết chế giải quyết xung đột. Bằng các định đề chung như thế, các nhà chức năng luận có thể đã cố đáp ứng yêu cầu của Durkheim về một lý thuyết xã hội học thực sự độc lập.

Vấn đề đã và vẫn còn là ở chỗ việc kiến tạo nên các hệ thống diễn dịch đã được dẫn dắt bởi những định đề như thế. Trước hết xem xét thuật ngữ cân bằngsống sót. Nếu nhà lý luận chọn cân bằng, anh ta không thể cung cấp được tiêu chuẩn về sự cân bằng xã hội, đặc biệt là sự cân bằng "động" hay sự cân bằng “đang chuyển động” đủ xác định để cho phép diễn dịch một cách logic từ một định đề sử dụng thuật ngữ này. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ sau. Khi nào một xã hội không ở trong sự cân bằng? Nếu nhà lý luận chọn thuật ngữ sống sót, anh ta cũng sẽ thấy ngạc nhiên là rất khó xác định. Ví dụ, Scotland có sống sót (tồn tại) như là một xã hội không? Mặc dù từ lâu vùng đất này đã thuộc về Anh, nhưng nó vẫn có những thiết chế, luật pháp và tôn giáo, riêng biệt. Nếu nhà lý luận chọn thuật ngữ sống sót theo nghĩa chặt chẽ và nói rằng một xã hội sẽ không tồn tại nếu tất cả thành viên của nó bị chết, thì anh ta vẫn còn mắc trong sự rắc rối. Như các sự kiện lịch sử chứng tỏ, rất ít xã hội đã có thiết chế của mọi loại mà nhà chức năng luận nói là cần thiết cho sự sống sót. Thực tế hoài nghi sự đúng đắn về mặt thực nghiệm của các định đề chức năng luận. Tất nhiên, nhà chức năng luận sẽ nói: "Để một xã hội sống sót, thì không phải tất cả các thành viên của nó bị bắn chết". Điều này dĩ nhiên là đúng, thế nhưng mà nó cũng cho phép diễn dịch được rất ít về các đặc trưng xã hội của các xã hội đang sống sót.

Tình hình cũng đúng như vậy đối với các định đề khác của chức năng luận. Thử lấy mệnh đề "Để sống sót, một xã hội phải có những thiết chế giải quyết xung đột", một mệnh đề được xem là có khả năng kiểm nghiệm và đúng đắn. Mệnh đề này cũng có rất ít sức mạnh giải thích. Từ định đề này có thể diễn dịch ra một thực tế là trong một xã hội đang tồn tại đã cho thì nó có những loại thiết chế giải quyết xung đột nào đó, và như vậy là thực tế này đã được giải thích. Cái vẫn còn chưa được giải thích là vì sao xã hội lại có những kiểu thiết chế giải quyết xung đột cụ thể như thế. Chẳng hạn, vì sao hội thẩm đoàn (jury) lại là một đặc trưng lâu đời của các thiết chế luật pháp Anglo-Saxon. Tôi lấy ví dụ này để nói rằng cái mà xã hội học phải giải thích là các đặc trưng có thực của các xã hội có thực chứ không phải là những đặc trưng được khái quát hoá của một xã hội được khái quát hoá.

Tôi không nghĩ rằng các thành viên của trường phái chức năng lại có thể, bằng những định đề khái quát theo kiểu riêng của họ, xây dựng được những lý thuyết dựa trên những hệ thống diễn dịch. Quan trọng hơn, họ đã không hề làm. Do đó, thừa nhận rằng bị bó buộc vào một hướng, một vài nhà chức năng luận đã mở rộng cái mà họ gọi là lý thuyết theo một hướng khác. Họ sử dụng một số lượng hạn chế các vấn đề mang tính chức năng mà một xã hội phải đương đầu để tạo ra một tập hợp các phạm trù để có thể phân tích cấu trúc xã hội. Nghĩa là, họ tạo ra một sơ đồ khái niệm. Nhưng phân tích không phải là giải thích, và một sơ đồ khái niệm không phải là một lý thuyết. Các nhà chức năng luận không thất bại trong việc đưa ra những luận đề về mối quan hệ giữa các phạm trù. Nhưng phần lớn các luận đề ấy giống như luận đề của Mác mà tôi đã đề cập ở trên: chúng không phải loại có thể đưa được vào các hệ thống diễn dịch. Từ các định đề trật tự thấp nhất cũng như từ các định đề trật tự cao hơn của họ không thể rút ra những kết luận rõ ràng có logic. Trong điều kiện như thế, không thể nói được rằng họ có lựa chọn các vấn đề và phạm trù chức năng một cách hoàn toàn tuỳ tiện hay không. Cái mà các nhà chức năng luận đã thực sự tạo ra không phải là một lý thuyết mà là một ngôn ngữ mới cho việc mô tả cấu trúc xã hội, một trong số nhiều ngôn ngữ có thể. Và phần nhiều nỗ lực mà họ gọi là lý luận chỉ là để chỉ ra các từ ngữ của các ngôn ngữ khác, bao gồm cả ngôn ngữ đời thường, có thể chuyển vào ngôn ngữ của họ như thế nào. Chẳng hạn, cái mà mọi người gọi là một cuộc sống (making a living) thì trong ngôn ngữ của họ gọi là đạt mục tiêu (goal-attainment). Thế nhưng cái tạo nên một lý thuyết là sự diễn dịch chứ không phải là sự dịch thuật (chuyển ngữ).

Tôi đã nói rằng vấn đề không phải là ở chỗ các lý thuyết chức năng, nói chung, có phải là lý thuyết thực sự hay không, bởi vì đã có những ngành khoa học có những lý thuyết chức năng thực sự. Đúng hơn, câu hỏi ở đây là cái nỗ lực cụ thể này đã thành công hay không. Nếu một lý thuyết là một sự giải thích, thì các nhà chức năng luận trong xã hội học đã không thành công. Có lẽ họ sẽ không thể thành công được, dù ở bất kỳ mức độ nào. Rắc rối đối với lý thuyết của họ không phải là ở chỗ nó sai, mà là ở chỗ nó không phải là một lý thuyết.

MỘT LÝ THUYẾT KHÁC

Giờ tôi muốn chỉ ra rằng có một nỗ lực thành công hơn để giải thích các hiện tượng xã hội khác với chức năng luận theo nghĩa là các định đề chung của nó thuộc một kiểu khác với của chức năng luận, một kiểu mà chính chức năng luận đã tìm cách né tránh. Tôi sẽ chỉ ra điều này ở chính cái chỗ mà các nhà chức năng luận cho là đương nhiên và ở ngay những quan hệ mà họ đã phát hiện ra bằng thực nghiệm. Tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng khi các nhà chức năng luận thực hiện công việc giải thích một cách nghiêm túc, điều mà đôi khi họ cũng làm, thì chính cái lý thuyết khác ấy lại hiện diện một cách không ý thức được trong công trình riêng của họ.

Nhà chức năng luận khẳng định đi khẳng định lại rằng đơn vị nhỏ nhất của phân tích xã hội là vai trò, vai trò là một cụm các chuẩn mực. Trong một bài viết gần đây, James Coleman viết: " ...một cách đặc trưng, nhà xã hội học lấy xuất phát điểm của mình là một hệ thống xã hội trong đó tồn tại các chuẩn mực, và các cá nhân bị điều hành bởi các chuẩn mực đó. Chiến lược này nhìn chuẩn mực như là kẻ điều khiển hành vi xã hội, và như vậy nó bỏ qua được vấn đề khó khăn mà Hobbes đã nêu lên."[6] Vấn đề Hobbes, dĩ nhiên, là vấn đề vì sao mà lại không diễn ra cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả.

Nói ngắn gọn, vì sao lại cần các chuẩn mực? Câu trả lời của Coleman là, trong kiểu trường hợp mà ông quan tâm, các chuẩn mực nổi lên thông qua các hành động của con người tính toán một cách hợp lý để mở rộng lợi ích riêng của mình trong bối cảnh những người khác cũng đang hành động giống như thế. Ông viết: "Định đề trung tâm về hành vi là như sau: mỗi chủ thể sẽ cố gắng mở rộng quyền lực của mình đối với những hành động mà anh ta có nhiều lợi ích/quan tâm nhất." Xuất phát từ định đề này, Coleman xây dựng một hệ thống diễn dịch giải thích vì sao các chủ thể chấp nhận một kiểu chuẩn mực cụ thể trong bối cảnh đã cho.

Tôi không muốn bàn cãi vấn đề gây tranh luận về tính hợp lý. Tôi muốn tập trung vào vấn đề: định đề chung của Coleman là thuộc loại định đề gì. Như chính Coleman cũng thừa nhận, định đề này rất giống với giả định trung tâm của kinh tế học, tuy rằng lợi ích vị kỷ không giới hạn vào các lợi ích vật chất như vẫn được các nhà kinh tế học chú trọng. Nó cũng giống với một đinh đề của tâm lý học, tuy rằng ở đây dưới dạng: phần thưởng cho một hoạt động càng có giá trị thì càng có khả năng một người nào đó sẽ tiến hành hoạt động ấy. Nhưng chắc chắn định đề ấy không phải là một định đề chức năng đặc trưng trong xã hội học: nó không phát biểu về các điều kiện cân bằng cho một xã hội mà là về hành vi của con người cá thể.

Lại nữa, nếu có các chuẩn mực thì vì sao con người lại tuân thủ chúng? Chúng ta hãy để sang một bên cái thực tế là có nhiều người không tuân thủ hoặc tuân thủ một cách rất không khác nhau, và giả định rằng tất cả họ đều tuân thủ. Vì sao họ lại làm như vậy? Trong chừng mực mà nhà chức năng luận trả lời, thì đó là vì con người đã "nội tâm hoá" các giá trị chứa đựng trong các chuẩn mực. Nhưng "nội tâm hoá" là một từ chứ không phải là một sự giải thích. Trong chừng mực mà họ quan tâm đến lý thuyết, các nhà chức năng luận coi việc tuân thủ chuẩn mực là đương nhiên. Họ đã sơ suất ở chính cái điểm mà Malinowski đã chỉ ra từ lâu trong một cuốn sách mà ngày nay các nhà xã hội học ít chịu đọc. Đây là sơ suất của các học giả đầu tiên nghiên cứu về các bộ lạc nguyên thuỷ, khi họ giả định rằng tuân thủ chuẩn mực là "sự ưng thuận tự động, sự quy phục bản năng của mọi thành viên bộ lạc đối với các bộ luật của nó..."[7] Câu trả lời khác mà Malinowski đưa ra là sự tuân lệnh đối với chuẩn mực "thường được ban thưởng theo mức độ hoàn hảo của nó, trong khi sự không phục tùng thì sẽ bị trừng phạt."[8] Nói ngắn gọn, câu trả lời của ông rất giống câu trả lời của Coleman và của các nhà tâm lý học. Dưới đó, ông đưa ra một nhận xét rất gợi mở: "Vấn đề thực sự không phải là nghiên cứu đời sống con người phục tùng các quy tắc như thế nào - đơn giản là không có điều đó; vấn đề thực sự là các quy tắc trở nên thích ứng với đời sống như thế nào."[9]

Câu hỏi còn lại là vì sao các thành viên của một xã hội cụ thể lại tìm thấy sự chắc chắn của các kết quả hành động của họ được ban thưởng mà không phải là những cái khác, nhất là khi một vài kết quả tỏ ra khác xa với sự ban thưởng có vẻ "tự nhiên". Đây là vấn đề thực sự của việc "nội tâm hoá" các giá trị. Giải thích cho điều này không phải là bất kỳ định đề thuần tuý xã hội học nào, mà là nhờ vào các định đề của lý thuyết học hỏi của tâm lý học.

Các nhà chức năng luận rất quan tâm đến các mối quan hệ qua lại của các thiết chế, và điều hãnh diện của trường phái này là đã chỉ ra được nhiều mối liên hệ qua lại như thế. Nhưng công việc của một ngành khoa học không kết thúc ở việc chỉ ra các liên hệ qua lại; nó phải tìm cách giải thích vì sao những mối liên hệ ấy lại như nó đang là. Lấy ví dụ về phát biểu rằng tổ chức thân tộc của xã hội đã công nghiệp hóa có xu hướng là tổ chức gia đình hạt nhân. Tôi không thể đưa ra một giải thích đầy đủ, nhưng tôi có thể và bạn cũng có thể gợi mở một sự giải thích bước đầu. Vài người xây dựng công xưởng vì làm như vậy họ nghĩ họ có thể kiếm được nhiều sự ban thưởng vật chất hơn là làm theo cách khác. Những người khác vào công xưởng làm với những lý do tương tự. Khi ấy, họ lao động xa nhà và, cũng chỉ vì thiếu thời gian, phải bỏ sự vun đắp cho các mối liên hệ thân tộc mở rộng là cái đã là một nguồn của sự ban thưởng, một nguồn giúp đỡ trong nhiều xã hội nông nghiệp cổ truyền, khi ấy lao động là ở gần nhà. Theo đó, gia đình hạt nhân trở nên tương thích với tổ chức công xưởng; và sự giải thích cho việc tương thích này dựa trên các định đề về hành vi của con người. Không phải các nhu cầu của xã hội giải thích cho mối liên hệ mà là nhu cầu của con người.

Lại nữa, các nhà chức năng luận quan tâm đến những hệ quả của các thiết chế, đặc biệt là những hệ quả đối với một hệ thống xã hội. Chẳng hạn, họ không ngừng quan tâm đến các chức năng và phản chức năng của các hệ thống vị thế. Rất hiếm khi họ đặt ra câu hỏi vì sao mà những hệ thống vị thế như vậy lại tồn tại. Một vài nhà lý luận còn xem sự xuất hiện của những hiện tượng như các hệ thống vị thế như là bằng chứng cho luận điểm của Durkheim rằng xã hội học không thể quy giản về tâm lý học. Vấn đề quan trọng không phải là cái thực tế của sự xuất hiện ấy mà là nó phải được giải thích như thế nào. Một trong những thành tựu của nghiên cứu nhóm nhỏ là nó đã giải thích một hệ thống vị thế, tất nhiên là ở quy mô nhỏ, đã nảy sinh như thế nào trong diễn trình tương tác giữa các thành viên của một nhóm[10]. Việc giải thích này dựa trên các định đề tâm lý học. Hoàn toàn không cần đến các định đề chức năng luận. Đóng góp lý luận của nghiên cứu nhóm nhỏ là ở chỗ nó "chỉ ra những kiểu biến số vi mô thường bị xã hội học bỏ qua đã có thể giải thích các kiểu tình huống xã hội mà các nhà tâm lý học hay bỏ qua".[11]

Tất cả những điều trên gợi ý bài học gì? Nếu như ngay cả những điều mà nhà chức năng luận cho là đương nhiên, nếu như ngay cả những mối liên hệ qua lại mà họ đã khám phá ra bằng thực nghiệm, đều có thể giải thích được bằng các hệ thống diễn dịch dựa trên những định đề tâm lý học, thì các nguyên tắc giải thích chung của chính xã hội học không thể là những định đề xã hội học, như các nhà chức năng luận chủ trương, mà là các định đề tâm lý học về hành vi con người, chứ không phải về hành vi của xã hội. So sánh với các khoa học khác, lập luận trên tự nó không làm xói mòn hiệu lực của một lý thuyết chức năng. Chẳng hạn, nhiệt động lực học xây dựng những định đề về các tập hợp, những định đề này là đúng và có tính khái quát, ngay cả cho dù chúng có thể được giải thích, trong các cơ chế thống kê, bằng những định đề về các phần tử của các tập hợp ấy. Câu hỏi là liệu kiểu tình huống trên có thực sự tồn tại trong xã hội học hay không. Trong chừng mực liên quan đến các định đề chức năng là những định đề về các tập hợp xã hội, tình hình này không tồn tại, vì các định đề đó đã không chứng tỏ là đúng và có tính khái quát.

GIẢI THÍCH BIẾN ĐỔI XÃ HỘI

Luận đề tiếp theo của tôi là ngay cả những nhà nghiên cứu tự coi là chức năng luận, khi nghiêm túc tìm cách giải thích các hiện tượng xã hội nào đó, thì trong thực tế họ đều sử dụng những cách giải thích không phải chức năng luận, mà không thừa nhận rằng họ đã làm như vậy. Điều này đặc biệt rõ trong những nghiên cứu của họ về biến đổi xã hội. 

Biến đổi xã hội cung cấp cho ta cơ hội kiểm nghiệm lý thuyết, bởi vì các sự kiện lịch sử là một tiền đề cho việc nghiên cứu. Không có lịch sử nhà nghiên cứu xã hội có thể thiết lập nên những mối liên hệ qua lại hiện tại của các thiết chế, nhưng sẽ rất khó đặt chúng vào sự giải thích vì sao các mối liên hệ ấy cần phải là như chúng là. Với các sự kiện lịch sử, nhà nghiên cứu có thể có thông tin cần thiết hỗ trợ cho việc giải thích. Một trong những cáo buộc thường thấy nhất đối với chức năng luận là cáo buộc rằng nó không thể đáp ứng cho việc phân tích biến đổi xã hội, rằng sự phân tích của chức năng luận có tính chất tĩnh tại. Trong những năm gần đây, một vài nhà chức năng luận đã làm việc để chỉ ra rằng những cáo buộc như thế là không công bằng. Để làm điều đó, họ đã chọn quá trình khác biệt hoá trong xã hội, chẳng hạn quá trình tăng mức chuyên môn hoá nghề nghiệp. Như lại thấy, vấn đề không phải là ở sự kiện khác biệt hoá - không nghi ngờ gì nữa rằng toàn bộ xu hướng của lịch sử xã hội đi theo đường hướng này – mà vấn đề là ở chỗ giải thích quá trình này như thế nào.

Một ví dụ đặc biệt hay về sự phát triển mới nói trên của chức năng luận là cuốn sách của Neil Smelser "Biến đổi xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp: Một ứng dụng lý thuyết vào ngành công nghiệp sợi bông Anh 1770-1840" (Social Change in the Industrial Revolution: An Application of Theory to the British Cotton Industry 1770-1840).[12] Không phải là hay cho ý định của tôi, mà tự bản thân nó là một cuốn sách hay. Cuốn sách cung cấp một lượng lớn thông tin được tổ chức tốt, có sức giải thích những biến đổi đã diễn ra. Điều buồn cười là cách giải thích mà Smelser, với tư cách là nhà nghiên cứu rất xuất sắc, đã thực sự sử dụng để lý giải sự biến đổi không phải là lý thuyết chức năng mà ông lấy làm xuất phát điểm cho mình, cái vốn không phải là lý thuyết, cái ông đã thực sự sử dụng lại là một kiểu lý thuyết khác và tốt hơn. 

Smelser đã bắt đầu như một nhà chức năng luận thực thụ. Đối với ông, một hệ thống xã hội là một kiểu hệ thống hành động có đặc trưng như sau: "Một hệ thống xã hội ... bao gồm một tập hợp các vai trò, tập thể, ... có liên hệ qua lại với nhau. Điều quan trọng phải nhớ rằng các vai trò, tập thể, chứ không phải các cá nhân, là những đơn vị trong trường hợp này." Xa hơn, "mọi hệ thống hành động được điều khiển bởi nguyên lý cân bằng. Tuân thủ kiểu cân bằng chủ đạo, các điều chỉnh diễn ra theo một hướng xác định: nếu cân bằng là ổn định, các đơn vị có xu hướng trở lại vị trí ban đầu của chúng; nếu chỉ cân bằng một phần, thì chỉ có một số đơn vị cần điều chỉnh; nếu cân bằng không ổn định, xu hướng là phải biến đổi, thông qua điều chỉnh qua lại, để tới một sự cân bằng mới hoặc hoàn toàn mất liên kết." Và cuối cùng, "mọi hệ thống xã hội là đối tượng của bốn tình trạng chức năng phải được thoả mãn ở mức độ ít nhiều hài lòng để hệ thống có thể duy trì trong sự cân bằng"[13]. Cần ghi chú rằng trong lập luận trên mọi hệ thống xã hội đều ở trong sự cân bằng, kể cả những hệ thống đang trong quá trình mất liên kết. Mặc dù những cái sau ở trong trạng thái cân bằng không ổn định, chúng vẫn còn trong trạng thái cân bằng. Theo đó, chúng vẫn đang đáp ứng ở mức độ ít nhiều hài lòng bốn trạng thái chức năng. Bạn có thấy một hệ thống diễn dịch có thể ích lợi như thế nào trong khoa học xã hội không? Nghiêm túc hơn, bạn sẽ thấy những định nghĩa cân bằng như thế rộng đến mức bạn có thể rút ra bất kỳ kết luận nào mà bạn muốn.

Thế nhưng đối với toàn bộ việc giải thích mà Smelser đã làm thì cái lý thuyết ấy và những sự mở rộng theo đó chỉ là những đồ bày hàng trong tủ kính mà thôi. Khi thực sự đi vào giải thích những cách tân trong ngành sợi bông Anh, đặc biệt là việc áp dụng máy xe sợi và máy dệt, thì Smelser hoàn toàn quên béng cái chức năng luận của ông. Cái cốt lõi trong sự giải thích thực sự của ông nằm ở trong bảy bước mà ông nói rằng chúng đã diễn ra. Smelser nói:

Sự khác biệt hoá trong công nghiệp, do đó, diễn ra theo những bước sau:
1)      Sự không hài lòng với mức năng suất của ngành công nghiệp hoặc của các phân ngành công nghiệp có liên quan và một cảm nhận về cơ hội theo nghĩa những khả năng tiềm tàng của các điều kiện thích hợp để đạt mức năng suất cao hơn.
2)      Các hội chứng lo âu dưới hình thức các phản ứng cảm xúc tiêu cực không được biện minh và các khát vọng "không thực tế" trong một bộ phận những thành phần trong dân cư.[14]

Tôi sẽ không nêu lên năm bước sau, vì tôi cũng sẽ phê phán chúng hệt như đối với hai bước nêu trên mà thôi. Những bước mà Smelser nêu trên tự trong hàm ý đã cung cấp một sự giải thích tốt về những cách tân của cuộc Cách mạng Công nghiệp trong chế tạo vải sợi. Nhưng đây là kiểu giải thích gì? Dù là kiểu gì thì cũng không phải là cách giải thích chức năng luận. Trong chỗ này ở đâu thể hiện các vai trò với tính cách là các đơn vị nền tảng của một hệ thống xã hội? Bốn trạng thái chức năng đâu? Chúng ta chẳng nghe thấy một từ nào về chúng cả. Thay vào đó chúng ta nghe thấy gì? Chúng ta nghe nói về sự không hài lòng, một cảm nhận về cơ hội, những phản ứng xúc động, và những khát vọng. Và cái gì đang cảm nhận những sự việc đó? Một vai trò đang không hài lòng hay đang cảm động? Không; bản thân Smelser cũng nói đó là "những thành phần trong dân cư". Dưới áp lực không thương xót, rút cuộc chúng ta phải thú nhận là "những thành phần trong dân cư" tức là con người. Và con người nào? Phần lớn đó là những người đang nỗ lực trong việc sản xuất và bán quần áo vải sợi. Và họ không hài lòng với cái gì? Không hài lòng với "những thành tựu năng suất của ngành". Mặc dù một số nhà chức trách chắc chắn cũng quan tâm đến sự đóng góp của toàn bộ ngành công nghiệp đến sự thịnh vượng của nước Anh, chúng ta, lại một lần nữa dưới sức ép không thương xót, phải thú nhận rằng phần lớn những con người ấy đang quan tâm đến lợi nhuận riêng của họ. Hãy đưa con người trở lại, và hãy bơm máu nóng vào họ. Ngay cả Smelser cũng phát biểu rất là cốt yếu: "Trong vùng Lancashire đầu những năm 1760 có những lời bàn tán xôn xao về những tài sản kếch xù đột nhiên có được ở những người gặp may tình cờ dựa trên sáng chế".[15] Nói ngắn gọn, con người nói đến ở đây hoạt động tích cực bởi tư lợi. Nhưng không phải mọi tư lợi đều là vị kỷ, và chắc chắn không phải mọi sáng chế của cuộc Cách mạng Công nghiệp đều gắn với tính ích kỷ.

Giải thích thực sự của Smelser về cách tân kỹ thuật trong ngành chế tạo vải sợi có thể phác hoạ trong cái hệ thống diễn dịch sau đây. Tôi chỉ nêu lên những bước hiển nhiên nhất.

1)      Những người càng thích hoàn thành một hoạt động nào đó, thì phần thưởng mà họ nhận được từ hoạt động đó càng có giá trị.
2)      Những người càng thích hoàn thành một hoạt động, thì càng dễ thành công trong việc nhận thấy hoạt động đó có khả năng đem lại phần thưởng.
3)      Nhu cầu cao về vải sợi bông và năng suất lao động thấp khiến cho những người quan tâm đến chế tạo vải sợi nhận thấy việc phát triển các máy móc tiết kiệm lao động sẽ là phần thưởng làm tăng lợi nhuận.
4)      Hiện trạng công nghệ khiến họ nhận thấy nỗ lực phát triển máy móc tiết kiệm lao động càng dễ có khả năng thành công.
5)      Do đó thông qua cả điểm 1 và 2 nói trên, những người như thế càng dễ có khả năng sẽ cố gắng phát triển máy móc tiết kiệm lao động.
6)      Bởi vì cảm nhận của họ về công nghệ là chính xác, nên những nỗ lực của họ càng dễ thành công, và một số đã thành công. 

Từ hai bước đầu tiên nói trên sẽ diễn ra những bước tiếp theo như tổ chức công xưởng và tăng độ chuyên môn hoá công việc. Nhưng không cần kiểu giải thích nào khác cho những bưới tiếp theo ấy. Các định đề như định đề 1 và 2 nói trên mà tôi gọi là định đề về giá trịthành công cũng sẽ hiện diện ở đây. Chúng ta cần một định đề nữa để mô tả hiệu ứng thất bại, điều chắc chắn sẽ đến với những nỗ lực cách tân, trong việc tạo nên  "những phản ứng xúc cảm tiêu cực" trong bước 2 của Smelser.

Tôi lại phải nhấn mạnh cách giải thích này. Đây là một cách giải thích sử dụng các định đề tâm lý học (1 và 2 ở trên), tâm lý học theo nghĩa chúng thường được phát biểu và kiểm nghiệm bởi các nhà tâm lý học và theo nghĩa chúng nói đến hành vi con người chứ không nói đến các điều kiện cân bằng của xã hội hay các nhóm xã hội. Đây là các định đề chung theo nghĩa chúng xuất hiện trong nhiều, và tôi nghĩ trong mọi, hệ thống diễn dịch để giải thích hành vi xã hội. Không hề có giả định rằng con người ở đây sẽ có hành vi giống nhau. Họ có thể bị điều kiện hoá trong việc tìm kiếm các ban thưởng khác nhau, nhưng cách điều kiện hoá hiện diện tự nó được giải thích bởi các tiền đề tâm lý học. Không hề có giả định rằng mọi giá trị họ theo đuổi đều là có tính vật chất, mà chỉ là giả định rằng việc họ theo đuổi các giá trị phi vật chất diễn ra theo những quy luật hệt như họ theo đuổi các giá trị vật chất. Không hề có giả định rằng họ cô lập hay không có tính xã hội, mà chỉ là giả định rằng các quy luật của hành vi con người không thay đổi chỉ bởi vì người khác chứ không phải là môi trường vật thể đem lại sự ban thưởng cho hành vi. Không hề có giả định rằng các định đề tâm lý học sẽ giải thích mọi cái xã hội. Chắc chắn chúng ta không có khả năng giải thích mọi điều, nhưng thất bại của chúng ta là do thiếu thông tin dữ kiện hoặc do bộ máy trí tuệ đối mặt với tính phức tạp - cho dù máy tính có thể giúp đỡ ở đây - chứ không phải do bản thân các định đề. Không hề có giả định ở đây liên quan đến sự quy giản tâm lý học, dẫu rằng tôi đã từng cho là như vậy. Bởi vì sự quy giản hàm ý rằng phải có các định đề xã hội học chung để sau đó có thể được quy giản chúng thành những định đề tâm lý học. Tôi cho rằng không có các định đề xã hội học chung, các định đề liên kết mọi xã hội và nhóm xã hội, và cho rằng các định đề chung trong xã hội học trên thực tế là tâm lý học.

Cái mà tôi tuyên bố là bất kể chúng ta nói các lý thuyết của chúng ta là cái gì, khi chúng ta nghiêm túc cố gắng giải thích các hiện tượng xã hội bằng cách xây dựng cho dù chỉ là những phác thảo những hệ thống diễn dịch, chúng ta sẽ tự thấy mình trong thực tế, và dù ta có thừa nhận hay không, thực ra đang sử dụng cái mà tôi gọi là những giải thích tâm lý học. Tôi cần bổ sung rằng những giải thích thực sự của chúng ta là những lý thuyết thực sự của chúng ta.

Tôi sẽ không công bằng đối với các nhà chức năng luận như Smelser và Parsons, nếu tôi hàm ý rằng họ đã không ý thức được con người xung quanh. Cái gọi là lý thuyết hành động đã làm một khởi đầu rất tốt khi nó lấy hai cá nhân làm khung phân tích hành vi xã hội của mình. Hành động của người này sẽ phê chuẩn (sanction), tức là ban thưởng hoặc trừng phạt, hành động của người kia[16]. Nhưng ngay sau khi khởi đầu, các tác giả của lý thuyết đã bỏ qua điều đó. Khi lý thuyết hành động áp dụng vào xã hội, thì không còn thấy các chủ thể nữa và có rất ít hành động. Nguyên do là ở chỗ nó đã tách biệt hệ thống nhân cách khỏi hệ thống xã hội và chỉ làm việc với cái sau. Chính hệ thống nhân cách mới có "nhu cầu, động lực, kỹ năng, v.v."[17] Nó không phải là bộ phận của hệ thống xã hội, mà chỉ trao đổi với hệ thống ấy bằng cách cung cấp cho hệ thống ấy động cơ được tách rời.[18] Đây là một kiểu hộp (box) mà bạn đi vào đó, nếu bạn nghĩ lý thuyết là một tập các hộp. Vì lý do này, không ai có thể lấy cách viết của các nhà chức năng luận để chống lại họ. Người tốt nhất trong các học giả là người viết một cách cồng kềnh thô thiển, khi anh ta thiết lập vấn đề trí tuệ của mình theo một cách thức cồng kềnh thô thiển. Nếu ngay từ đầu, nhà lý luận coi vấn đề của mình là kiến tạo nên các định đề giải thích chứ không phải là tạo ra các phạm trù, thì anh ta sẽ nhận thấy rằng cái cá nhân và cái xã hội là không thể tách rời nhau. Những hành động của một người mà ta lấy làm bằng chứng cho nhân cách của anh ta không khác biệt với những hành động của người đó mà, cùng với những hành động của người khác, chúng tạo nên một hệ thống xã hội. Chúng đều là cùng những hành động ấy. Nhà lý luận sẽ ý thức được điều này khi anh ta thấy rằng cần cùng một tập hợp các định đề chung, bao gồm định đề thành công và định đề giá trị nói trên, để giải thích các hiện tượng của cả nhân cách lẫn xã hội.

KẾT LUẬN

Nếu xã hội học là một khoa học, nó phải thực hiện một cách nghiêm túc một trong những công việc của bất kỳ một ngành khoa học nào, đó là cung cấp những giải thích cho những quan hệ thực nghiệm mà nó phát hiện được. Một giải thích là một lý thuyết, và nó có hình thức một hệ thống diễn dịch. Với tất cả những gì mà nó đã nói về lý thuyết, trường phái chức năng đã không làm công tác lý luận một cách đủ nghiêm túc. Nó không hề tự hỏi lý thuyết là gì, và cũng chưa bao giờ tạo nên một lý thuyết chức năng thực sự có tính giải thích. Tôi chắc rằng nó không thể làm được điều đó nếu nó xuất phát như đã làm với các định đề về điều kiện của sự cân bằng xã hội, những định đề mà từ đó không thể rút ra được những kết luận rõ ràng bằng một hệ thống diễn dịch. Một khi có một nỗ lực nghiêm túc xây dựng lý thuyết để giải thích các hiện tượng xã hội, thì hoá ra là các định đề chung của chúng không phải là về sự cân bằng của xã hội mà là về hành vi con người. Điều này đúng chính là với một số nhà chức năng luận tài giỏi, mặc dù họ không chịu thừa nhận. Họ giữ những giải thích tâm lý học dưới bàn để rồi lén lút mở ra như một cái chai rượu khi họ thực sự cần chúng giúp đỡ. Điều mà tôi đặt ra là chúng ta hãy đem cái mà chúng ta nói về lý luận đặt lên cái mà chúng ta thực sự làm, và kết thúc sự giả tạo trí tuệ của mình. Điều đó sẽ thống nhất chúng ta với các khoa học xã hội khác, mà các lý thuyết thực sự của họ hoàn toàn giống các lý thuyết thực sự của chúng ta, và như vậy làm mạnh thêm tất cả chúng ta. Hãy làm như vậy cả với các sinh viên của chúng ta. Đôi khi tôi nghĩ rằng họ bắt đầu với sự hiểu biết về bản chất thật của các hiện tượng xã hội nhiều hơn là chúng ta đã đem lại cho họ, và những giảng giải đầy nghi ngờ của chúng ta đã giết chết trí khôn bản năng của họ. Cuối cùng, tôi phải nói rằng mọi điều mà tôi đã nói tỏ ra rất là hiển nhiên với tôi. Nhưng vì sao chúng ta không nghiêm túc chấp nhận sự hiển nhiên?





[1] Bài phát biểu của Chủ tịch tại Hội nghị thường niên của Hội xã hội học Mỹ tại Montreal, 2/9/1964. Đăng trong American Sociologcal Review. Vol 29 No 5. 12/1964, trang 809-818. Bản dịch trong khuôn khổ Dự án JDP 2007. Bản dịch chưa được sửa chữa, hiệu đính, đề nghị không sử dụng khi chưa hỏi ý kiến dịch giả.
[2] George P. Murdock. Social Structure. New York: Macmillan. 1949.
[3] Émile Durkheim. Les règles de la méthode sociologique (8th ed.). Paris: Alcan. 1927. Trang 124-125.
[4] “The Myth of Functional Analysis as a Special Method in Sociology and Anthropology”. American Sociological Review. 24 (December 1959). Trang 757-773.
[5] Đặc biệt xem R.B. Braithwaite. Scientific Explanation. Cambridge: Cambridge University Press. 1953.
[6] James S. Coleman. “Collective Decisions”. Sociological Inquiry. 34 (1964). Trang 166-181.
[7] Bronislaw Malinowski. Crime and Custum in Savage Society. Paterson, N.J.: Littlefield, Adams. 1959, trang 11.
[8] Sđd, trang 12.
[9] Sđd, trang 127.
[10] Xem George C. Homans. Social Behavior: Its Elementary Forms. New York: Harcourt, Brace & World. 1961. Đặc biệt chương 8.
[11] C.N. Alexander Jr. and R.L. Simpson. “Balance Theory and Distributive Justice”. Sociological Inquiry 34(1964). Trang 182-192.
[12] Chicago: University of Chicago Press, 1959.
[13] Sđd, trang 10-11.
[14] Sđd, trang 29.
[15] Sđd, trang 80.
[16] Talcott Parsons and Edward Shils (eds.). Toward a General Theory of Action. Cambridge, Mass.: Harvard University Press. 1951. Trang 14-16.
[17] Smelser, sđd, trang 10.
[18] Sđd, trang 33.